Quy trình làm kẹo lạc(kẹo đậu phộng) truyền thống tại KEOLAC.ORG
Không giống như sản phẩm công nghiệp được máy móc xử lý hàng loạt, kẹo lạc truyền thống tại xưởng KẹoLạc.org được làm hoàn toàn thủ công. Đó là quy trình tỉ mỉ, kỹ lưỡng và đòi hỏi sự tinh tế trong từng thao tác.
1. Chọn nguyên liệu
Nguyên liệu làm kẹo tưởng đơn giản, nhưng không thể qua loa. Lạc (đậu phộng) phải là lạc mới, đều hạt, rang lên phải thơm bùi. Chúng tôi ưu tiên nguồn lạc quê từ các vùng đất nổi tiếng như Nghệ An, Hà Tĩnh.

Đường mía, mạch nha, vừng trắng là những thứ “gây hương, tạo vị”. Đường được nấu đến độ, không gắt. Mạch nha dùng để tạo độ dẻo tự nhiên, không dùng chất tạo dính hóa học. Vừng trắng được rang vừa tay, dậy mùi nhưng không cháy khét. Tất cả làm nên phần hồn của viên kẹo.
2. Rang và sơ chế
Lạc được rang đều tay, không để quá lửa làm khét, nhưng cũng không để sống lòng. Sau đó được xát vỏ và sàng lọc kỹ càng. Vừng rang vàng, thơm lừng, được để riêng để trộn đúng thời điểm. Bước này quan trọng để đảm bảo mùi thơm tự nhiên và độ giòn khi cắn.
3. Nấu đường – đổ khuôn – tạo hình
Đây là bước “cân não” nhất. Người thợ nấu đường phải canh lửa cực chuẩn. Nếu quá lửa, kẹo sẽ gắt và khét. Nếu non lửa, kẹo không kết dính, dễ ỉu. Khi đạt độ, đường sánh lại, lúc ấy người thợ trộn nhanh tay lạc và vừng, đổ ra khuôn hoặc mâm.

Tiếp theo là cán và cắt kẹo. Cán phải đều tay để kẹo không quá dày, không quá mỏng. Sau đó dùng dao sắc cắt miếng vuông hoặc hình thuôn – tùy loại.
Với dòng kẹo dồi, phần hỗn hợp dẻo sẽ được cuộn thành hình trụ dài rồi gói bằng giấy truyền thống, tạo nên vẻ ngoài đẹp mắt, thích hợp làm quà biếu.
4. Đóng gói và bảo quản
Tùy vào nhu cầu, kẹo có thể được bọc giấy gió, giấy nến hoặc hút chân không. Các gói đều có in ngày sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng (thường từ 30–45 ngày). Bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm là đủ để giữ trọn hương vị.